Theo kết quả kiểm kê rừng toàn quốc (theo quyết định số 03/2001/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/1/2001) công bố tháng 7/2001 do Viện Điều tra Quy hoạch Rừng tiến hành, diện tích rừng ngập mặn (RNM) Việt Nam tính đến ngày 21/12/1999 là 156.608ha. Trong đó diện tích RNM tự nhiên là 59.732ha chiếm 38,1% và diện tích RNM trồng là 96.876ha chiếm 61,95%. Trong số diện tích RNM trồng ở Việt Nam, rừng đước (Rhizophora apiculata) trồng chiếm 80.000ha (82,6%), còn lại 16.876ha là rừng trồng trang (Kandelia obovata), bần chua (Sonneratia caseolaris) và các loại cây ngập mặn trồng khác (17,4%) (Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, 2001).
- Tình hình quản lý rừng ngập mặn
2.1. Hiện trạng quản lý Nhà nước về rừng ngập mặn
Toàn bộ diện tích RNM hiện nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) quản lý mà trực tiếp là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Cục Kiểm lâm được Bộ giao nhiệm vụ theo dõi công tác bảo vệ rừng, diễn biến tài nguyên rừng trong đó có RNM và trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay hai loại vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có RNM đều phân cấp cho các tỉnh quản lý. Cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm về các kế hoạch phụ hồi, phát triển rừng.
Ở cấp tỉnh, các khu RNM do Sở NN&PTNT quản lý, một số tỉnh Chi cục Lâm nghiệp trực tiếp quản lý. Chi cục Kiểm lâm theo dõi việc bảo vệ rừng, thi hành các pháp lệnh về bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Ở một số tỉnh có vườn quốc gia (VQG) RNM như Nam Định, Cà Mau thì các VQG đó trực tiếp do uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh quản lý. Tuy nhiên các kế hoạch có liên quan tới lâm nghiệp cũng đều do các Sở NN&PTNT xem xét.
Theo qui định của Luật Đất đai, các huyện có trách nhiệm quản lý đất đai của huyện, có thẩm quyền cấp đất, thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình do huyện quản lý nên các diện tích RNM cũng do huyện quản lý. Các Hạt Kiểm lâm huyện chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề có liên quan lâm luật. Diện tích RNM và vai trò, chức năng chính của rừng ở miền Bắc và miền Nam có sự khác biệt nhất định nên hệ thống tổ chức quản lý RNM có các hình thức khác nhau.
2.1.1. Hệ thống quản lý RNM ở miền Bắc
RNM ở miền Bắc giữ vai trò chính là phòng hộ ven biển, nâng cao giá trị kinh tế sử dụng nguồn lợi thuỷ sản, các giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học của rừng (khu RAMSAR, các VQG, Khu bảo tồn thiên nhiên). Việc kinh doanh, khai thác RNM không đặt ra. Do vậy không hình thành các lâm ngư trường tổ chức quản lý, kinh doanh RNM. Hầu hết các RNM đều giao cho xã trực tiếp quản lý. Các hệ thống và hình thức quản lý tóm tắt như sau:
* Vườn Quốc gia
Có một VQG Xuân Thuỷ (Nam Định). Đây là khu RAMSAR đầu tiên được công nhận ở Việt Nam (1989). VQG trực thuộc UBND tỉnh quản lý.
* Khu Bảo tồn thiên nhiên RNM Tiền Hải, Thái Bình
Quyết định thành lập do UBND tỉnh ký. Ban Quản lý khu bảo tồn gồm hai thành phần:
Kiêm nhiệm: Chủ tịch huyện – Trưởng ban; Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện – Phó Trưởng ban.
Chuyên trách: Trưởng phòng Kinh tế Biển và 4 cán bộ trực tiếp hoạt động
Ở vùng đệm có RNM giao cho các xã trực tiếp quản lý. Các xã thành lập các tổ bảo vệ đóng ở các chốt tạm thời để bảo vệ rừng dựa trên kinh phí dự án 661, được đánh bắt thuỷ sản tự nhiên theo qui định phù hợp, không làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
* Các vùng RNM khác của các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng như đã nêu trên dưới sự quản lý của các Sở NN&PTNT, trực tiếp là Chi cục Lâm nghiệp ở các tỉnh có nhiều rừng như Quảng Ninh, các Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tiếp theo đó là UBND huyện, các Hạt Kiểm lâm huyện. Tại các huyện có phòng kinh tế trong đó có nhiều tổ chuyên môn như trồng trọt, thuỷ sản, công nghiệp… bộ phận theo dõi lâm nghiệp thường nằm trong tổ trồng trọt hoặc thuỷ sản.
RNM thuộc các xã do UBND xã quản lý, hầu hết RNM không giao cho các hộ quản lý bảo vệ vì ở xã khu dân cư. Hình thức phổ biến là các xã hình thành tổ hoặc ban bảo vệ RNM bao gồm đại diện chính quyền, công an, quân sự, cựu chiến binh, các thôn trưởng có RNM dưới hình thức kiêm nhiệm, không có lương, thù lao có thể trích từ quỹ bảo vệ rừng của Chữ thập đỏ hoặc Dự án 661. Hầu hết các tỉnh ở ngoài Bắc đa số trồng RNM do Hội Chữ thập đỏ đầu tư trực tiếp tới các hộ kể từ khi trồng tới khi rừng hình thành và tiếp tục bảo vệ. Rừng hình thành giao lại cho các xã quản lý. Do vậy công bảo vệ hiện chủ yếu dựa vào kinh phí của Hội Chữ thập đỏ đầu tư cho tới hết năm 2005. Một số tỉnh có duyệt kế hoạch trồng rừng và bảo vể ừng của Dự án 661 như tỉnh Thái Bình, Nam Định. Một số xã có cho thuê khu bãi bồi khai thác thuỷ sản bên cạnh RNM hoặc dưới RNM thì chịu trách nhiệm bảo vệ RNM. Tuy nhiên, những diện tích này không nhiều và thời gian thuê cũng chỉ có 1 năm. Tóm lại, chủ yếu RNM được quản lý trực tiếp bởi UBND xã thông qua các tổ bảo vệ rừng. Các qui ước của cộng đồng hầu như chưa đề cập tới.
2.1.2. Hệ thống quản lý RNM ở miền Nam
Điều tra khảo sát được tiến hành ở tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích RNM lớn nhất Việt Nam. RNM ở đây giữ chức năng phòng hộ ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất. Do vậy hệ thống quản lý RNM phù hợp với các chức năng chủ yếu của rừng.
* VQG Đất Mũi
Hệ thống quản lý giống như các VQG khác. VQG này cũng trực thuộc UBND tỉnh quản lý. Trong vườn có Trạm Kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ngoài ra bộ đội biên phòng Đất Mũi cũng phối hợp bảo vệ rừng.
* Lâm ngư trường: có hai hình thức tham gia quản lý rừng ở các lâm ngư trường
– Hầu hết rừng và đất rừng giao cho các hộ quản lý theo Nghị định 01 củ Chính phủ. Người dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng và được hưởng lợi theo qui định của tỉnh sau khi rừng được khai thác. Ngoài ra các hộ được tiến hành nuôi tôm sinh thái trong rừng, được hưởng lợi hoàn toàn. Có thể một phần nhỏ rừng thuộc lâm ngư trường quản lý như khu bảo tồn rừng, du lịch cảnh quan.
– Một phần diện tích rừng và đất rừng được giao cho các hộ quản lý theo Nghị định 01. Phần lớn diện tích còn lại do Lâm ngư trường quản lý thông qua các tổ bảo vệ của lâm trường.
Mối quan hệ giữa Lâm ngư trường (LNT) và các xã, ấp (thôn), các hộ dân thông qua nhiều hình thức:
– Lâm trường chia ra các tiểu khu, mỗi tiểu khu do hai người phụ trách. Dưới tiểu khu là các Ban quản lý khu vực gắn với các cụm dân cư (ấp). Mỗi Ban quản lý có 1 trưởng ban và 2 phó ban được nhận phụ cấp từ LNT. Dưới các Ban Quản lý là các tổ gồm 20-30 hộ có 1 tổ trưởng. Như vậy việc bảo vệ rừng được gắn kết chặt chẽ với người dân theo tổ chức nhất định là các tổ dân nhận rừng và đất rừng. Hàng tháng LNT còn tổ chức nghe ý kiến của dân. Mô hình quản lý này đã thực hiện tốt trong nhiều năm ở LNT 184.
– Hình thành Hội Nông dân trực thuộc LNT. Dưới Hội Nông dân là tổ nông dân gồm 20-30 hộ dân cư nằm trong một ấp. Các tổ nông dân có những cam kết, qui ước về bảo vệ rừng thông qua lâm trường và xã. Tổ nông dân dưới sự chỉ đạo của các tiểu khu. Mỗi tổ nông dân có một tổ trưởng, 2-3 tổ phó hoạt động kiêm nhiệm, không có lương. Tổ nông dân coi như một tổ tự quản dân cư, chịu trách nhiệm chung cả vấn đề an ninh xã hội, phát triển sản xuất, đặc biệt quan tâm tơíu vấn đề bảo vệ rừng và khuyến ngư. Hàng tháng các tổ nông dân đều họp đánh giá tình hình thực hiện các cam kết, qui ước… Hội Nông dân có Chủ tịch Hội. LNT Đầm Dơi đang thực hiện mô hình quản lý này rất có hiệu quả.
* Các hệ thống quản lý khác: Ngoài hai hệ thống quản lý chủ yếu là VQG và LNT, ở Cà Mau còn có các hệ thống quản lý sau:
– Các ban quản lý rừng mà tiền thân là các LNT trước kia như Năm Căn, Tắc Biển, Nhưng Miên, Đất Mũi, 13/12
– Ban Quản lý rừng phòng hộ biển Tây do lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm.
– Quân đội quản lý một số LNT như LNT Tràng Sáo, LNT 414.
– Công an quản lý: Nông lâm trường Công an.
– Phòng Nông nghiệp huyện, Uỷ ban xã quản lý một số diện tích hẹp có tính chất đặc thù như sân chim…
– Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp quản lý một số diện tích rừng nghiên cứu.
Theo qui hoạch của Sở NN&PTNT tới 2010 thì sắp tới hệ thống quản lý sẽ rút gọn đầu mối lại gồm 2 Công ty Lâm nghiệp (184, Tam Giang 3) và 8 Ban Quản lý rừng phòng hộ. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong Ban Quản lý rừng phòng hộ đều có cả rừng sản xuất. Đai rừng phòng hộ phía Đông đề xuất mở rộng hơn, rộng rới 4km so với 1km theo qui định hiện nay. Ở Cà Mau, toàn bộ hệ thống rừng phòng hộ ven biển hoặc do lực lượng kiểm lâm, quân đội quản lý hoặc do các LNT quản lý không giao cho dân vì trong rừng phòng hộ ven biển chủ yếu chỉ bảo vệ, không phát triển kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.
2.2. Các vấn đề liên quan đến hệ thống quản lý RNM ở Việt Nam
2.2.1. Thể chế, chính sách cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng RNM
2.2.1.1. Những văn bản quy định của pháp luật
- a) Các văn bản của Nhà nước
– Luật Đất đai của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1993).
– Luật Bảo vệ Môi trường của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1993) và Nghị định số 175/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.
– Quyết định số 1336 – BNN – HĐBT ngày 19/04/1999 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phê duyệt kế hoạch hành động tái định cư và kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số dự án “Bảo vệ phát triển những vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam” trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
– Quyết định số 116/1999/TTg ngày 03/05/1999 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phân vùng RNM thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
– Quyết định 08/2001/QĐ TTg ngày 11/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- b) Các văn bản của địa phương
– Quyết định 24/2002/QĐ-UB ngày 12/9/2002 của UBND tỉnh Cà Mau quy định cụ thể như sau:
* Quy hoạch đất Lâm nghiệp:
+ Các LNT, Ban Quản lý (BQL) bảo vệ và phát triển rừng phối hợp huyện, xã và cá ngành chức năng tiến hành quy hoạch lại đất sản xuất, tuyến dân cư, cụm dân cư tập trung trình UBND tỉnh phê duyệt.
+ Tuỳ điều kiện cụ thể, LNT, BQL bảo vệ và phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ đặc dụng kết hợp huyện, xã và hộ dân bàn bạc chọn lựa mô hình sản xuất: rừng – tôm kết hợp, hoặc tách tôm ra khỏi rừng và cho phép được đào khuôn bao (thủ công hoặc cơ giới) nhưng phải đảm bảo tỷ lệ diện tích đất trồng rừng và trình tự thực hiện hteo quy định.
+ Quy hoạch sử dụng đất trong từng LNT, BQL bảo vệ và phát triển rừng phải đảm bảo tỷ lệ 70% diện tích rừng, 30% diện tích sản xuất ngư nông kết hợp.
+ Tuỳ điều kiện đặc thù của từng LNT, BQL bảo vệ và phát triển rừng, cho phép vận dụng tỷ lệ như sau:
Diện tích từ 5ha trở lên: 70%, 30% ngư – nông.
Diện tích từ 3-5ha: 60% rừng, 40% ngư – nông.
Diện tích < 3ha: 50% rừng, 50% ngư – nông.
+ Đối với các tổ chức khác, sử dụng đất lâm nghiệp để sản xuất ngư – nông kết hợp với tỷ lệ không vượt quá 30% tổng diện tích được giao.
* Chính sách đất đai và hưởng lợi:
+ Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng LNT, chọn khu phù hợp tiến hành thí điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ) cho hộ dân trong lâm phần theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ kể cả diện tích đất ở, đất rừng và đất sản xuất nông lâm kết hợp trong lâm phần.
+ Đối với rừng sản xuất là rừng trồng do chủ rừng (LNT, hộ dân) tự đầu tư gây trồng (tự bỏ vốn hay tự vay vốn để trồng) thì chủ rừng được quyền quyết định thời điểm, phương thức khai thác và tiêu thụ trên cơ sở kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có trách nhiệm tái tạo lại rừng sau khi khai thác không quá 12 tháng.
+ Rừng do hộ gia đình tự bỏ vốn ra trồng, chăm sóc, bảo vệ được hưởng 95% sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế.
+ Rừng do LNT bỏ vốn trồng giao cho hộ dân quản lý, chăm sóc, bảo vệ sau khi khai thác được chia theo tỷ lệ sau:
Rừng trồng dưới 3 tuổi, khi khai thác hộ dân phải trả LNT các khoản chi phí trồng và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng từ khi trồng đến khi giao (định mức dựa theo phương án thiết kế được duyệt), chi phí trả lãi vốn ngân hàng, chi phí khai thác và nộp thuế, phần còn lại hộ dân được hưởng 80%.
Rừng trồng dưới 3-5 tuổi, khi khai thác hộ dân phải trả LNT các khoản chi phí trồng và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng khi trồng đến khi giao (định mức dựa theo phương án thiết kế được duyệt), chi phí trả lãi vốn ngân hàng, chi phí khai thác và nộp thuế, phần còn lại được hộ dân được hưởng 65%.
Rừng trồng từ 5 tuổi trở lên, cứ mỗi năm nhận khoán quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng hộ dân được hưởng 6% giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế và chi phí khai thác.
2.2.1.2. Chính sách kinh tế về lâm nghiệp của Nhà nước
Trong những năm qua, đi đôi với quy hoạch và luật pháp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kinh tế nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh rừng.
– Quyết định số 661/TTg ngày 29/05/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tổ chức thực hiện dự án 5 triệu hecta rừng. Trong quyết định có ghi rõ các chính sách về đất đai (điều 5); chính sách đầu tư tín dụng (điều 7); chính sách hưởng lợi và tiêu thụ sản phẩm (điều 7); chính sách thuế (điều 8).
– Quyết định số 178/TTg ngày 16/09/1999 về đổi mới cơ chế và cơ chế hoạt động của LNT quốc doanh.
– Nghị định số 163/NĐ-CP ngày 16/11/1999 về giao đất; cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Chính sách tại địa phương
– Gần đây tỉnh Cà Mau có quyết định số 24/2002/QĐ-UB ngày 12/9/2002 vận dụng chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương và có một số quy định như sau:
+ Chính sách đầu tư và tín dụng:
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng và phát triển các cơ sở chế biến lâm nông sản được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của luật khuyến khích đầu tư trong nước, được vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, các nguồn vốn tín dụng khác.
Chủ rừng được sử dụng rừng sản xuất vả quyền sử dụng đất lâm nghiệp được, giao, làm tài sản thế chấp để vay vốn tại ngân hàng nhằm đầu tư phát triển vốn rừng.
Hộ thành viên nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 01/CP ngày 04/1/1995 của Chính phủ, được phép thế chấp thành quả lao động theo hợp đồng nhận khoán để vay vốn tại ngân hàng, thông qua xác nhận củ các LNT, BQL bảo vệ và phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng.
Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế vốn phát triển lâm nghiệp. Đẩy nhanh các hoạt động tiếp thị, nghiên cứu tìm hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất những sản phẩm thích hợp có lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Chính sách thuế
+ Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao đất lâm nghiệp để sử dụng ổn đinh, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định 163/CP là đối tượng nộp thuế. Việc sử dụng đất theo mục đích thì nộp thuế theo diện tích của mục đích đó. Hộ thành viên nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 01/CP không là đối tượng nộp thuế, nhưng có trách nhiệm về thuế thông qua giao nhận khoán với chủ rừng (LNT, BQL bảo vệ và phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng).
+ Không thu thuế sử dụng đất trùng lặp trên một đơn vị diện tích; không phải nộp thuế với sản phẩm phụ thu hoạch dưới tán rừng (các sản phẩm thu được từ giải pháp lâm sinh làm giàu rừng và sản phẩm phụ).
+ Căn cứ khoản 2 điều 6 của Quyết định 187/TTg thì Nhà nước cấp lại cho lâm trường quốc doanh toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư tái tạo rừng và thực hiện các nghĩa vụ công ích khác của lâm trường theo dự toán được UBND tỉnh phê duyệt.
2.2.2. Đánh giá chung
Hệ thống quản lý RNM
Từ Trung ương tới địa phương hiện nay thực hiện theo qui định chung về rừng và đất rừng. Ở Trung ương và Bộ NN&PTNT mà trực tiếp là 2 Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm. Tuy nhiên sự phối hợp giữa hai Cục chưa chặt chẽ trong quản lý RNM. Mối quan hệ với các Bộ có liên quan đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đất ngập nước, Bộ Thuỷ sản còn yếu. Cán bộ quản lý ở Trung ương còn hạn chế kiến thức tổng hợp về hệ sinh thái RNM, đa phần hiểu biết sâu hơn về rừng trên đất liền.
Ở ngoài Bắc, RNM chủ yếu do xã trực tiếp quản lý, hầu hết không giao cho các hộ mà thông qua các tổ bảo vệ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách đóng chốt ở rừng. Các huyện chịu trách nhiệm quản lý đất đai trong đó có RNM thường do phòng kinh tế theo dõi trong đó RNM nằm trong tổ thuỷ sản hoặc nông nghiệp. Nhìn chung cán bộ ở tính, huyện có hiểu biết khá về RNM gắn với nuôi trồng thuỷ sản vì họ trực tiếp tiếp cận với những vấn đề thực tiễn. Ở ngoài Bắc có một VQG đó là VQG RNM Xuân Thuỷ có nhiều mối quan hệ quốc tế vì là khu RAMSAR. Vườn trực tiếp do UBND tỉnh quản lý, có mối quan hệ chặt chẽ với huyện và xã, với các hộ dân chung quanh nên được sự ủng hộ trong việc bảo vệ rừng. Trong vườn có lực lượng kiểm lâm của vườn nhưng cũng có lực lượng kiểm lâm của huyện tham gia bảo vệ rừng và chỉ lực lượng kiểm lâm của huyện mới có quyền xử lý các vụ vi phạm. Xã có những qui ước, cam kết được ký kết giữa chính quyền, VQG, hộ hay tổ nhận khai thác bền vững thuỷ sản ở phân khu phục hồi sinh thái. VQG cũng xây dựng quỹ tín dụng cho dân vay.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải có BQL kiêm nhiệm và chuyên trách do Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường của huyện là Phó ban kiêm nhiệm, Trưởng phòng Kinh tế Biển là Trưởng ban chuyên trách.
Nhìn chung, ở ngoài Bắc vai trò của cộng đồng trong xã chưa được chú ý đúng mức trong quản lý bảo vệ rừng, đa phần dựa vào các tổ bảo vệ.
… (giống phần trên).
Thể chế chính sách
Ở miền Bắc, các thể chế chính sách riêng cho RNM hầu như rất ít, chủ yếu theo các chính sách chung của Nhà nước. Điều quan trọng ở ngoài Bắc là chính sách đối với RNM phòng hộ ven biển cần được quan tâm cả về đầu tư lẫn bảo vệ, gắn với đầu tư trong thuỷ lợi, đê điều. Cần có những quy định pháp lý về phòng hộ ven biển bao gồm cả dải rừng và hệ thống đê biển.
Ở miền Nam các chính sách về RNM đa dạng và cụ thể hơn như thực hiện giao đất, khoán rừng cho người dân theo Nghị định 01/CP, các chính sách hưởng lợi được tăng cường hơn. Theo Quyết định 24/2003 của UBND tỉnh Cà Mau có qui định rõ diện tích nuôi tôm và rừng theo trường hợp cụ thể. Lợi ích nuôi tôm dân được hưởng hoàn toàn. Các vùng nuôi tôm sinh thái ở LNT 184 có chứng chỉ tới các hộ, giá tăng 20% so giá hiện hành. Đối với rừng sau khai thác được chia sản phẩm có thể tới 60-70%. Ngoài ra mỗi LNT đều có những qui định riêng gắn quyền lợi của người dân với bảo vệ rừng.
Ở Cà Mau, hiện đã có đề án đổi mới tổ chức hoạt động, sản xuất lâm nghiệp theo sắp xếp mới gọn nhẹ hơn và có hiệu quả hơn.
Về chính sách đối với các VQG, RNM mang tính chất của khu đất ngập nước cần có những quy ước cụ thể hơn về việc sử dụng khôn khéo nguồn lợi thuỷ sản, một số qui chế cũng cần có những thay đổi nhất định để phù hợp với vùng đất ngập nước.
Vấn đề quy hoạch vùng RNM và nuôi trồng thuỷ sản
Hiện đã được các tỉnh quan tâm. Các tỉnh đều đặt ra nguyên tắc là qui hoạch nuôi trồng thuỷ sản không xâm phạm tới RNM. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên trong thực tiễn sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, nên đã xảy ra việc phá RNM để nuôi tôm công nghiệp ở nhiều tỉnh.
Việc qui hoạch hệ thống RNM đã rất quan tâm tới đai rừng phòng hộ ven biển. Ở ngoài Bắc, RNM ven biển chủ yếu giữ vai trò phòng hộ, ở Cà Mau rừng phòng hộ ven biển Đông trở nên cực kỳ quan trọng.
Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản trong RNM cũng được chú ý ở miền Nam, đặc biệt ở Cà Mau theo 2 khuynh hướng: tôm xen kẽ rừng và tôm tách biệt rừng. Khuynh hướng tôm sinh thái đang được phát triển, mở rộng. Tôm tách biệt rừng có điều kiện nuôi thâm canh hơn nhưng cần tránh xu hướng tách hẳn khỏi rừng và nên áp dụng ở những nơi gần sông, điều kiện lưu thông nước, thuỷ triều thuận lợi hơn. Nuôi tôm sinh thái còn tồn tại là nạo vét bùn bã gây ô nhiễm chung chưa giải quyết được. Đó còn là vấn đề lớn cho nuôi tôm nói chung ở Cà Mau.
Một điểm đáng chú ý là qua khảo sát ở miền Bắc nhiều ý kiến cho rằng: nuôi công nghiệp quy mô lớn cơ bản là không thành công kể cả các đầu tư lớn của các công ty như Việt Mỹ, Viễn Đông… Nhiều nơi đã thu hẹp lại đất của các công ty. Do vậy qui hoạch nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian gần đây đã dè dặt với qui mô nuôi công nghiệp lớn và phá hàng trămg hecta RNM để nuôi tôm.
Một điều đáng quan tâm là ở Cà Mau, tỉnh có diện tích RNM lớn nhất, cũng chưa chú ý đúng mức xây dựng cơ sở dữ liệu về RNM và áp dụng GIS theo dõi hiện trạng rừng, qui hoạch rừng.
2.3. Các chương trình, dự án, đề tài bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn
2.3.1. Các đề tài, dự án nghiên cứu, bảo vệ phục hồi rừng ngập mặn
So với các lĩnh vực nghiên cứu sinh học và sinh thái học thì số đề tài nghiên cứu về hệ sinh thái RNM còn rất khiêm tốn. Cho đến nay chưa có cơ quan nào theo dõi. Chúng tôi tập hợp một số đề tài, dự án đã có kết quả.
– Trong giai đoạn 1977-1980 chỉ có một đề tài nhánh Nghiên cứu về RNM ở Bến Tre do Phan Nguyên Hồng (Đại học Sư phạm Hà Nội) chủ trì thuộc đề tài Nghiên cứu điều kiện tự nhiên vùng cửa sông ven biển trong chương trình nghiên cứu biển Minh Hải, Thuận Hải.
– 1981-1985: Uỷ ban Khoa học Nhà nước giao cho Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERC), Đại học Sư phạm Hà Nội tiến hành một đề tài: Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam do Phan Nguyên Hồng làm chủ nhiệm, đơn vị chủ trì: Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục, thuộc chương trình trọng điểm Nhà nước: Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, mã số 52-02-03, chủ nhiệm: GS. Nguyễn Đình Tứ, thời gian 5 năm, kinh phí 5 triệu đồng (!!!), khu vực tiến hành: ven biển Việt Nam. Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu tình hình và diễn biến của hệ sinh thái rừng ngập mặn của Việt Nam để có cơ sở phục hồi và quản lý RNM.
Đề tài đã tổ chức được 1 hội thảo quốc gia: Hệ sinh thái RNM Việt Nam vào 27-28/12/1984 có Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp tới dự và đã xuất bản tuyển tập hội thảo. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước khen thưởng.
– 1982-1985: Uỷ ban Khoa học Nhà nước giao cho MERC chủ trì đề tài: Nghiên cứu hậu quả chiến tranh hoá học đối với RNM Minh Hải (mã số 64-02-03) do Phan Nguyên Hồng làm chủ nhiệm, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục, thuộc chương trình Nhà nước: Nghiên cứu hậu quả của chiến tranh hoá học lên con người và thiên nhiên (mã số 64). Địa điểm nghiên cứu là các tỉnh cs RNM bị rải chất độc hoá học ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ, thời gian: 3 năm rưỡi, kinh phí 10 triệu đồng. Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu hiện trạng RNM sau khi bị rải chất chất độc hoá học và đề xuất giải pháp khắc phục.
Đề tài đã đóng góp hai báo cáo cáo về hiện trạng và sự thoái hoá của môi trường đất và nước ở vùng bị rải chất độc hoá học tại Hội thảo quốc tế về chất độc hoá học ở thành phố Hồ Chí Minh (1983). Đề tài được đánh giá xuất sắc và Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước khen thưởng.
– 1986-1990: MERC tiếp tục đề tài Nhà nước: Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long – Đề xuất biện pháp sử dụng hợp lý (52Đ-02-03) do Phan Nguyên Hòng làm chủ nhiệm, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục, thuộc chương trình trọng điểm Nhà nước: Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường (52Đ) do GS. Võ Quý làm chủ nhiệm, thời gian: 5 năm, địa điểm: các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, kinh phí: 15 triệu đồng. Mục tiêu của đề tài là đánh giá vai trò to lớn của hệ sinh thái RNM đối với tài nguyên và môi trường, cuộc sống của cộng đồng địa phương, hướng dẫn cho các Sở Lâm nghiệp về kỹ thuật trồng, bảo vệ RNM, phát triển RNM ở các vùng đất bồi.
Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước khen thưởng. Chủ nhiệm đề tài được mời sang Mỹ trình bày báo cáo tại hội nghị quốc tế về sinh thái học. Đã xuất bản cuốn sách “RNM: Tiềm năng và sử dụng” (1988).
– 1986-1990: MERC được Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Uỷ ban 10-80 giao chủ trì đề tài: Nghiên cứu hậu quả lâu dài của chiến tranh hoá học đến hệ sinh thái RNM (mã số 64A-03-03) do Phan Nguyên Hồng làm chủ nhiệm, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục, thuộc chương trình Nhà nước: Nghiên cứu hậu quả lâu dài của chiến tranh hoá học lên thiên nhiên và con người. Đề xuất biện pháp khắc phục (mã số 64A) (GS. Hoàng Đình Cầu làm chủ nhiệm).
Mục tiêu: Đánh giá những tổn thất về tài nguyên và môi trường ở những vùng RNM bị rải chất độc hoá học. Nghiên cứu các biện pháp phục hồi rừng với các phương thức trồng khác nhau. Kinh phí thực hiện đề tài: 20 triệu, địa điểm: những vùng bị rải chất độc hoá học ở ven biển miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước khen thưởng.
– 1991-1995: Đề tài: Nghiên cứu sử dụng hợp lý hệ sinh thái RNM để nuôi tôm có hiệu quả (mã số KN-04-13) do GS. Phan Nguyên Hồng làm chủ nhiệm, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục, thuộc chương trình Nhà nước: Phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao (KN-04) do Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Võ Văn Trác làm chủ nhiệm, kinh phí 55 triệu đồng.
Kết quả: Đã đánh giá được tình hình nuôi tôm trong RNM ở miền Bắc và miền Nam. Xây dựng mô hình lâm ngư kết hợp theo tỷ lệ 70% rừng, 30% nuôi tôm và nơi ở được thực nghiệm thành công ở các lâm ngư trường Tam Giang 3, 18/4, Kiến Vàng (Cà Mâu), được Hội đồng Khoa học Bộ Thuỷ sản chấp nhận và triển khai ở Nam Bộ cho đến nay (2006).
Đề tài được hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc; công bố được một số tài liệu về nuôi tôm trong RNM.
– 1996-2000: Nghiên cứu tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái RNM, chủ nhiệm: Phan Nguyên Hồng, cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc chương trình Điều tra cơ bản (KT-04) do GS. Nguyễn Văn Hiệu làm chủ nhiệm, địa điểm: Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mâu, ven biển đồng bằng sông Hồng, kinh phí: 25 triệu.
Kết quả: Đã điều tra sơ bộ hệ thực vật, hệ động vật trong vùng RNM Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Hồng và hệ thực vật ở Tây Nam Bộ.
– Ngoài các đề tài cấp Nhà nước nói trên, có một số đề tài nhỏ cấp Bộ của Viện Khoa học Lâm nghiệp về đất RNM do TS. Ngô Đình Quế chủ trì.
– Một đề tài nghiên cứu về RNM ở 4 tỉnh Cà Mâu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre do tổ chức Arcadis Euroconsult với sự phối hợp của Haskoning và Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng II thành phố Hồ Chí Minh thực hiện (1998-2000).
– Từ 1994-2004: một đề tài nghiên cứu nghiên cứu hệ sinh thái RNM – kinh tế xã hội và tuyên truyền giáo dục của MERC do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch hỗ trợ trực tiếp với tổng kinh phí 1 tỷ đồng, thực hiện ở vùng ven biển Thái Bình và Nam Định.
Kết quả:
+ Tổ chức 5 hội thảo hàng năm có in tuyển tập tiếng Anh, tiếng Việt.
+ Xuất bản hai cuốn sách Hệ sinh thái RNM đồng bằng sông Hồng: Đa dạng sinh học, sinh thái học, kinh tế – xã hội – quản lý và giáo dục tiếng Anh và tiếng Việt (2004) do Nagao Nhật Bản (NEF) tài trợ.
+ Xây dựng một Trạm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERS) tại xã Giao Lạc, Giao Thuỷ, Nam Định, kinh phí 450 triệu đồng để cho cán bộ sinh viên trong ngoài nước đến nghiên cứu, triển khai các lớp tập huấn cho cộng đồng địa phương.
– Dự án FIS/94/12 “Các mô hình nuôi tôm kết hợp RNM ở đồng bằng sông Cửu Long” xuất bản một cuốn Sổ tay thực hành Kỹ thuật nuôi tôm – rừng kết hợp (tài liệu dành cho cán bộ khuyến ngư).
2.3.2. Trồng lại RNM ở những nơi bị rải chất độc hoá học
Từ năm 1962 đến 1970 quân đội Mỹ đã dùng chất độc hoá học huỷ diệt gần 150.000ha RNM ở Nam Bộ (Hồng, 1997).
Sau ngày thống nhất đất nước (1975) chính phủ Việt Nam và các địa phương rất quan tâm đến việc phục hồi RNM trên các vùng bị rải chất độc hoá học trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam (Bảng 14).
Bảng 14. Diện tích RNM trồng lại trên các vùng bị rải chất độc hoá học từ 1975 đến 1980
Tỉnh | Diện tích (ha) | Nguồn tài liệu |
Bến Tre | 10.470 | Ty Lâm nghiệp Bến Tre, 1981 |
Trà Vinh | 3.990 | Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh, 1996 |
Sóc Trăng | 1.750 | Sở NN&PTNT Sóc Trăng, 1996 |
Minh Hải (Cà Mau + Bạc Liêu) | 25.900 | Ty Lâm nghiệp Minh Hải, 1981 |
Đồng Nai | 4.100 | Ty Lâm nghiệp Đồng Nai, 1981 |
Thành phố Hồ Chí Minh | 6.240 | Nguyễn Đình Cương, 1996 |
Tổng số | 52.450 |
Việc trồng RNM cũng được tiến hành ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, hiệu quả của việc trồng RNM nói chung là rất thấp, thậm chí ở một số nơi thất bại (Gò Công, Trà Vinh).
2.3.3. Trồng RNM theo các chương trình của Nhà nước
Vào thập kỉ 80, Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế, thiếu lương thực nên ở nhiều nơi trong nội địa cũng như ven biển, rừng bị tàn phá nhiều để lấy đất trồng lúa. Ngày 15-9/1992, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã có quyết định số 327 CT về các chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước trong đó có chủ trương lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất, có chính sách giao đất giao rừng cho nông dân. Tiếp đó ngày 21/12/1994, chính phủ ra thêm quyết định QĐ 773 về sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước, trong đó có việc đầu tư trồng rừng ngập mặn và rừng phi lao phòng hộ bảo vệ đê. Nhờ đó diện tích RNM trồng ở một số địa phương đã tăng lên (bảng 15).
Bảng 15. Diện tích RNM phục hồi ở một số tỉnh theo chương trình của nhà nước
TT | Tỉnh, thành phố | Diện tích(ha) | Nguồn | TT | Tỉnh | Diện tích(ha) | Nguồn |
1 | Hải Phòng | 234 | Cục Thống kê (1996) | 8 | Bến Tre | 1804 | Ngô An, 2003 |
2 | Thái Bình | 1.399 | – nt- | 9 | Trà Vinh | 4.137 | Việt, 1999 |
3 | Nghệ An | 563 | – nt- | 10 | Sóc Trăng | 1.404 | Khem, 1998 |
4 | Hà Tĩnh | 46 | – nt- | 11 | Bạc Liêu | 716 | Lý, 1999 |
5 | Bà Rịa-VTàu | 3.615 | Trinh, 1998 | 12 | Cà Mau | 18.500 | Vinh, 1998 |
6 | TP. H.C. Minh | 20.636 | Tuấn, 1998 | Tổng số | 53.517 | ||
7 | Tiền Giang | 463 | Khang và cs. 1999 |
So với thời kì trồng RNM sau chiến tranh (1975-1980) thì việc phục hồi rừng đạt kết quả cao hơn vì các địa phương đã rút được một số kinh nghiệm không thành công trước đây. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật vẫn còn yếu kém vì các kỹ sư tốt nghiệp ở một số trường Đại học Lâm nghiệp không được học kiến thức về sinh thái RNM, không nắm được kỹ thuật trồng cây ngập mặn.
Nhiều nơi trồng với mật độ quá dày, cắm trụ mầm quá sâu trong bùn (2/3 trụ mầm) nên tốc độ sinh trưởng chậm, cây con bị hà bám nhiều, nhiều nơi để rong, tảo bám đầy cây con, cây không quang hợp được, nên tỷ lệ sống thấp.
Một nguyên nhân khác là do lợi nhuận từ tôm nuôi xuất khẩu rất cao nên ở một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình (Tiền Hải), Ninh Bình (Kim Sơn), các tỉnh Nam Trụng Bộ, một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ… đã cho dân phá một diện tích đáng kể RNM để làm đầm tôm quảng canh cải tiến hoặc bán thâm canh. Một số nơi tuy có kế hoạch bảo vệ RNM nhưng việc quản lý kém, không có biện pháp ngăn cản tình trạng phá rừng bất hợp pháp để nuôi tôm nên diện tích RNM tiếp tục bị thu hẹp.
Một số địa phương không thực hiện giao đất giao rừng cho nhân dân hoặc giao cho xã quản lý, mà việc quản lý vẫn do cơ quan lâm nghiệp phụ trách, trong lúc ngành này ở địa phương rất thiếu lực lượng bảo vệ, thiếu thiết bị nên hầu như sau khi trồng RNM ít được quan tâm. Nhiều người dân đi bắt hải sản đã đào bới, dùng cào cua làm chết cây mới trồng. Nhiều nơi các chủ thuyền đã chặt rừng thành vệt dài để lấy lối đi, cho tàu thuyền ghé vào bờ… Một số rừng 3-5 tuổi bị dê, trâu bò vào phá, nhiều người vào cạy hà (Balanus) trong rừng cũng tham gia chặt cây ngập mặn.
2.3.4. Các đề án trồng RNM do một số tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ
Thông cảm với những tổn thất to lớn về người, tài sản, đất đai (nhiễm mặn), hoa màu, lương thực do bão, lụt gây ra, một số NGO ở Việt Nam như Quỹ Cứu trợ nhi đồng Anh (SCF-UK), OXFAM Anh và Airơlen (OXFAM UK-I), Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch (DRC), Hành động phục hồi RNM (ACTMANG), Công ty bảo hiểm hàng hải và hoả hoạn (Tokio Marine), Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản (JRD) đã hỗ trợ kinh phí kết hợp với sự giúp đỡ về qui hoạch và kĩ thuật của MERC, đã trồng được gần 19.000 ha rừng ngập mặn dọc cửa sông miền Bắc để bảo vệ đê. Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2001) và của MERC, 138 xã thuộc 98 huyện ven biển của 8 tỉnh miền Bắc đã được hưởng các đề án trồng RNM và rừng đã phát triển tốt.
Bảng 16. Diện tích rừng ngập mặn đã trồng do các tổ chức NGO tài trợ
TT | Tỉnh/Thành phố | Tổ chức tài trợ | Thời gian trồng | Diện tíchtrồng mới* | Diện tích trồng xen (trồng đa dạng loài)** | Tổng số hađã trồng |
1 | Quảng Ninh | JRC | 1997-2005 | 1757 | 55 | 1812 |
ACTMANG | 1999-2000 | 231 | 231 | |||
SCF UK | 1994-1996 | 18 | 18 | |||
2 | Hải Phòng | JRC | 1997-2005 | 1616 | 611 | 2227 |
ACTMANG | 1994-2005 | 1202 | 1202 | |||
3 | Ninh Bình | JRC | 1997-2005 | 790 | 295 | 1093 |
4 | Thanh Hoá | JRC | 1997-2005 | 1245 | 440 | 1685 |
ACTMANG | 1999-2000 | 147 | 147 | |||
SCF UK | 1994-1996 | 275 | 275 | |||
5 | Nghệ An | JRC | 1997-2005 | 1096 | 10 | 1106 |
SCF UK | 1991-1996 | 184 | 184 | |||
6 | Hà Tĩnh | JRC | 1998-2005 | 650 | 89 | 739 |
SCF UK | 1991-1993 | 240 | 240 | |||
OXFAM UK&I | 1991-1996 | 377 | 377 | |||
7 | Thái Bình | DRC | 1994-2005 | 3919 | 3289 | 7208 |
ACTMANG | 1996-2005 |